Những điều cần lưu ý trong việc phanh xe an toàn
Nhờ hệ thống ABS, bánh xe sẽ được phanh – nhả liên tục chống tình trạng bó cứng phanh, nhờ đó rút ngắn tối đa quãng đường phanh.
Để phanh xe an toàn, người lái không chỉ có kinh nghiệm mà cần có đầu óc tỉnh táo và khả năng phản ứng nhanh. Cùng tìm hiểu những yếu tố về khoảng cách, thời gian phanh xe cũng như một vài lưu ý về kĩ thuật phanh xe để luôn có những hành trình an toàn.
Khoảng cách – Thời gian phanh xe
Khoảng cách phanh được chia làm hai phần: khoảng cách phản xạ phanh và khoảng cách đạp phanh. Khoảng cách phản xạ phanh là quãng đường đi được từ lúc chúng ta nhận thức ra sự nguy hiểm và phản xạ phanh ngay sau đó.
Khoảng cách đạp phanh là quãng đường từ lúc nhấn chân phanh tới khi xe dừng hẳn. Khoảng cách đạp phanh bị ảnh hưởng bởi tốc độ hơn khoảng cách phản xạ nhanh . Một chiếc xe đang chạy ở tốc độ 96 km/h thì mỗi giây sẽ di chuyển được khoảng 27 m. Nhưng nếu để dừng chiếc xe đó lại phải mất hơn 4.5 giây và quãng đường phanh tới 82 m. Bên cạnh thời gian thực tính từ khi xe bạn bắt đầu phanh, còn có nhiều thứ tác động lên quá trình phanh xe như thời gian nhận thức và thời gian phản ứng, do đó đã làm tăng đáng kể quãng đường phanh xe.
Thời gian nhận thức mất khoảng là ¾ giây để bạn phát hiện sự cố và bắt đầu quá trình phanh. Thời gian phản ứng cũng khiến bạn mất thêm ¾ giây nữa để di chuyển chân đặt lên phanh xe. Cộng gộp thời gian nhận thức và thời gian phản ứng thì xe bạn đã di chuyển một quãng đường là 40.2 m trước khi xe bạn kịp giảm tốc từ tốc độ 96 km/h.
Vì vậy, mỗi tay lái nên biết hiểu rõ về tốc độ mình đang di chuyển cũng như thời gian phản ứng để phanh xe an toàn trong tình huống bất ngờ.
Kĩ thuật phanh xe
1. Quan sát gương chiếu hậu
Bước đầu tiên là bạn nên quan sát an toàn từ phía sau, lưu ý không đạp phanh gấp gây trượt, khó kiểm soát tay lái. Nên cố gắng tránh đạp phanh ở những chỗ xóc, giảm ga và phanh trước lúc đến chỗ xóc là tốt nhất, nếu không rất có thể xảy ra hỏng hóc phanh và giảm tốc độ.
Đạp mạnh chân phanh và khi vừa cảm thấy bánh xe bắt đầu trượt thì nhẹ nhàng nhả bớt chân phanh. Khi bánh xe hết trượt, lại đạp mạnh chân phanh cho đến khi xe dừng lại hoàn toàn. Trong quá trình đạp phanh tài xế có thể kết hợp giảm số xuống cho đến khi xe dừng hẳn.
2. Tình hình thời tiết
Bạn không thể thay đổi thời tiết những hãy ứng phó bằng cách thay đổi phong cách lái để đảm bảo an toàn hơn. Nếu bạn đang lái một chiếc xe tải hoặc một chiếc SUV, hãy chú ý đến tốc độ xe trong điều kiện thời tiết xấu. Những loại xe này có vị trí ngồi và trọng tâm xe cao hơn nhiều so với các dòng xe khác, do đó nguy cơ lật xe cũng cao hơn nhiều so với các loại dòng xe khác khi xe phanh trong những trường hợp khẩn cấp.
3. Lực quán tính
Xe có trọng lượng lớn hơn có nghĩa là quãng đường phanh cũng dài hơn. Do đó trọng lượng của xe cũng là một nhân tố quan trọng trong quá trình phanh xe của bạn.
4. Khoảng cách an toàn
Hãy nhớ giữ khoảng cách với các xe khác ở phía trước, bên hông và phía sau xe của bạn. Để biết được khoảng cách nào an toàn bạn hãy làm theo nguyên tắc “3 giây”. Khi xe phía trước vượt qua một vật thể nào đó, một biển hiệu chẳng hạn, thì bạn hãy bắt đầu đếm đến 3. Nếu bạn vượt qua cột mốc đó trước khi đếm xong thì có nghĩa bạn đang di chuyển quá gần. Trong điều kiện thời tiết xấu bạn nên gia tăng khoảng cách này lên để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ xảy ra va chạm.
5. Lốp xe
Chú ý đến loại lốp xe đang sử dụng cho phù hợp với điều kiện vận hành. Có nhiều loại lốp xe được sử dụng tương ứng với các điều kiện đường xá khác nhau. Do đó, việc sử dụng loại lốp thích hợp sẽ tăng khả năng vận hành và đảm bảo quãng đường phanh tốt hơn.
6. Hệ thống phanh xe
Cuối cùng, bạn nên chọn mua những xe có trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS). Hệ thống này sẽ giúp bạn giảm đáng kể quãng đường phanh trong bất kỳ điều kiện thời tiết hay đường sá nào. Bất cứ khi nào bạn nhấn chân phanh, bánh xe sẽ dễ bị khoá cứng và mất độ bám với mặt đường, khiến bạn mất lái và do đó làm gia tăng quãng đường phanh. Nhờ hệ thống ABS, bánh xe sẽ được phanh – nhả liên tục chống tình trạng bó cứng phanh, nhờ đó rút ngắn tối đa quãng đường phanh.
7. Sự tập trung
Có rất nhiều nguyên nhân làm bạn có thể phân tâm khi lái xe, tiêu biểu có thể kể đến là điện thoại, tính năng giải trí, nói chuyện phiếm… Bên cạnh đó, chất cồn trong bia rượu làm giảm khả năng nhận thức và làm tăng thời gian phản ứng của lái xe, trạng thái mệt mỏi cũng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và phản xạ của các tay lái.
Leave a Reply